Mới đây, một bé trai 3 tuổi tử vong khi chơi cầu trượt tại một trường mầm non ở huyện Sóc Sơn (TP.Hà Nội) khiến nhiều người không khỏi giật mình vì nhận thấy vấn đề an toàn cho trẻ khi chơi tại các khu vui chơi thiếu nhi vẫn chưa được quan tâm đúng mức.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khá nhiều khu vui chơi cho thiếu nhi được mở ra ở các khu du lịch, công viên, siêu thị, trung tâm thương mại, quán ăn, quán cà phê và cả trong các khu dân cư. Tuy nhiên, việc đảm bảo an toàn cho trẻ tại các khu vui chơi này vẫn còn nhiều điều đáng quan tâm.
* Chưa đảm bảo an toàn
Ghi nhận của chúng tôi tại một số khu vui chơi cho thiếu nhi tại TP.Biên Hòa cho thấy, tại một số khu vui chơi ngoài trời ở công viên trên đường Nguyễn Văn Trị và Trung tâm hội nghị và tổ chức sự kiện tỉnh... còn có tình trạng câu kéo điện không đảm bảo an toàn; các đường ray trong trò chơi xe lửa điện đã cũ, gỉ sét... tiềm ẩn nguy cơ rò rỉ điện cũng như xe lửa bị trượt đường ray rất cao.
Tại một số khu vui chơi thiếu nhi ở các siêu thị, trung tâm thương mại của TP.Biên Hòa thường tổ chức các trò chơi không dùng điện như: nhà banh, cầu trượt, ống trượt... Phần lớn nhân viên chỉ bán vé vào cổng, còn lại việc trông chừng trẻ vui chơi đều phụ thuộc vào phụ huynh. Trong khi đó, rất nhiều phụ huynh chỉ chăm chú sử dụng điện thoại, “thả” cho con chơi tự do.
Anh Nguyễn Hồng Kiệt (phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) cho biết: “Trước đây tôi nghĩ cho con chơi tại các khu vui chơi trong nhà là sẽ sạch sẽ, an toàn. Nhưng sau sự cố một bé trai tử vong khi chơi cầu trượt tại Hà Nội vừa qua, tôi chợt giật mình vì nhận ra nếu không có sự giám sát của người lớn, trẻ có thể gặp nguy hiểm khi tự chơi một mình trong các khu vui chơi thiếu nhi”.
Đó là chưa kể, một số khu vui chơi thiếu nhi có trang bị các trò chơi cảm giác mạnh như: tàu lượn siêu tốc, máng trượt, đu quay tốc độ cao... nhưng theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đồng Nai, hiện nay, việc kiểm tra độ an toàn của các trò chơi cảm giác mạnh cũng như chất lượng kiểm định các loại máy móc vận hành các trò chơi này gần như không có cơ quan chức năng nào thực hiện.
Thời gian qua đã có một số vụ tai nạn xảy ra trong các khu vui chơi trẻ em. Điển hình vào mùng 1 Tết Dương lịch năm 2019, bé L.Đ.N. (13 tuổi, ngụ TP.Biên Hòa) đã bị đa chấn thương nặng khi chơi tàu lượn siêu tốc ở một khu du lịch ở TP.Biên Hòa. Nạn nhân bị vỡ gan, lách, gãy xương hở ở cánh tay, đùi...
* Cần quản lý chặt chẽ hơn
Trao đổi với chúng tôi về việc đảm bảo an toàn cho các khu vui chơi thiếu nhi, đại diện UBND một số phường của TP.Biên Hòa cho biết, hiện nay không có cơ quan chức năng nào quản lý, kiểm tra an toàn tại các khu vui chơi thiếu nhi, tất cả đều do chủ cơ sở, người quản lý tự thực hiện và hoàn toàn chịu trách nhiệm khi có sự cố xảy ra.
Bà Kiều Xuân Hiếu (phường Tân Hạnh, TP.Biên Hòa) kiến nghị: “Các cơ quan chức năng nên tiến hành kiểm tra về tính an toàn của các khu vui chơi thiếu nhi, nhất là tại các khu vui chơi ngoài trời có các trò chơi tốc độ cao, cảm giác mạnh. Ngoài ra, cũng nên quy định rõ độ tuổi được tham gia các trò này và buộc các đơn vị kinh doanh khu vui chơi phải tuân thủ”.
Ngoài ra, để đảm bảo an toàn cho trẻ em khi đến các khu vui chơi thiếu nhi, cần có sự quan tâm, theo dõi sát của người lớn đi cùng. Phụ huynh cần lựa chọn cho con chơi những trò chơi đảm bảo an toàn, phù hợp lứa tuổi. Bên cạnh đó, trong lúc các bé vui chơi, phụ huynh nên theo dõi, quan sát trẻ để kịp thời nhắc nhở, cảnh báo khi trẻ đùa giỡn những trò nguy hiểm.
Theo khuyến cáo của Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh, phụ huynh trước khi cho con chơi các trò chơi ở khu vui chơi, đặc biệt là các trò chơi tốc độ cao, cảm giác mạnh phải tìm hiểu xem trò chơi này thích hợp với lứa tuổi nào, những trường hợp nào không được tham gia chơi; hệ thống máy móc vận hành trò chơi này có được kiểm định hay không, các dây đai an toàn có được trang bị đầy đủ không; đồng thời dặn dò con phải tuân thủ các quy định khi đang chơi, không được tự ý rời vị trí ghế ngồi, không được tháo dây an toàn cho đến khi trò chơi dừng hẳn.